Lịch sử M47_Patton

Năm 1948, quân đội Mĩ bắt đầu thực hiện chương trình thiết kế một dòng gồm ba loại xe tăng có các bộ phận bên trong tương đồng trong ba loại xe tăng nhẹ, trung và nặng. Trong đó, thiết kế xe tăng hạng nhẹ và trung, T41 và T42 có chung một thân xe, nhưng mẫu T42 mang một tháp pháo nặng hơn với một pháo 90mm. Trước khi mẫu T42 được đưa vào kiểm tra, cuộc Chiến tranh Triều Tiên nổ ra. Diễn biến ban đầu của cuộc chiến thực sự là một cú sốc cho quân đội Mĩ khi các xe tăng T-34-85 của Bắc Triều Tiên làm chủ chiến trường cho tới khi một số lượng đáng kể xe tăng M4A3E8 Sherman, M26 Pershing và M46 Patton đến được bán đảo Triều Tiên. Mặc dù xe tăng M26 và M46 chứng minh có thể dễ dàng đánh bại T-34-85, thành công ban đầu của Bắc Triều Tiên và các khó khăn gặp phải trong việc huy động xe tăng đến Triều Tiên đã làm lộ rõ điểm yếu của kho tàng xe tăng Mĩ cũng như yêu cầu phải đánh giá lại việc sản xuất xe tăng hạng trung. 

Mẫu T42 sau đó đã không làm hài lòng được các kì vọng do động cơ không đủ công suất. Tuy nhiên, nó cũng có những điểm nổi trội như tháp pháo hoàn thiện hơn, cũng như trang bị hệ thống tìm tầm bằng kính nhắm phức tạp. Tháng 9 năm 1950, dưới áp lực cực kì của Quốc hội, quân đội Mĩ quyết định gắn tháp pháo T41 lên một thân xe M46 Patton hoán cải và bắt đầu sản xuất loại xe tăng mới này với tên gọi M47 Patton

Quân đội Mĩ cho rằng M47 Patton thực chất chỉ là đơn thuần lắp một tháp pháo mới lên một thân xe đã được kiểm tra kĩ lưỡng. Tuy nhiên, do thiếu các cuộc kiểm tra dẫn đến một chiếc xe tăng mang nhiều lỗi kĩ thuật và càng tê hại hơn do kế hoạch sản xuất quá sát. Nguồn cung cấp thiết bị tìm tầm bằng kính M12 làm chậm lại việc trang bị M47. Sư đoàn thiết giáp số 1 và số 2 chỉ bắt đầu nhận M47 vào năm 1952. Việc sản xuất tiếp diễn đến năm 1953 với tồng cộng khoảng 8.676 chiếc được sản xuất. M47 rõ ràng chỉ là một phương tiện chiến đấu tạm thời. Nó cũng là thiết kế xe tăng hạng trung cuối cùng sử dụng tổ lái 5 người. Các lợi thế lớn duy nhất so với M46 là tháp pháo có hình dáng chống đạn tốt hơn và hệ thống tìm tầm chính xác hơn.